Hưng Hà (Thái Bình) vốn là một vùng đất cổ xưa của tỉnh Thái Bình được hình thành trong thời kỳ văn hoá Đông Sơn. Trải qua hàng ngàn năm phát triển, mảnh đất và con người nơi đây đã kiến tạo, bồi đắp nên những giá trị văn hoá đặc sắc, những nét tiêu biểu riêng của một miền quê vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi mang đậm nét văn hoá, văn hiến cách mạng, từng xuất hiện nhiều danh tài, danh tướng làm vẻ vang lịch sử dân tộc. Vùng đất “địa linh nhân kiệt” ấy hiện còn bảo tồn, lưu giữ 552 di tích, trong đó có 22 di tích được xếp hạng quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh. Một trong những di tích quốc gia tiêu biểu, được sự quan tâm tôn tạo, tu bổ của Đảng và Nhà nước, đó là cụm di tích Đền thờ các vua Trần - mà người xưa gọi là Thái Đường Lăng, nay thuộc địa bàn làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà.
Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung; Trần Hưng Đạo... mà tên tuổi gắn liền với các chiến thắng lẫy lừng trong sự nghiệp giữ nước và bảo vệ đất nước. Lịch sử cũng ghi nhận mỗi vương triều đều có một vùng đất phát tích để dựng xây nên sự nghiệp. Thái Bình được coi là vùng đất phát tích của vương triều Trần, vì cách đây hơn 700 năm, tại nơi đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Cũng tại nơi đây, một hành cung Long Hưng hoành tráng chứng kiến nhiều dấu ấn lịch sử trọng đại gắn liền với vương triều nhà Trần như những đại lễ, những yến tiệc mừng chiến thắng sau mỗi sự kiện oai hùng. Tam đường - là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thuỷ tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà thì có tới trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp tác tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Năm tháng qua đi, vật đổi sao dời song lăng mộ ba vị vua đầu triều Trần và dòng sông Thái Sư vẫn còn đó - những di tích mang đầy huyền thoại về một dòng họ, một vương triều hùng mạnh. Mảnh đất Tam Đường nay linh thiêng bởi chính là nơi lưu giữ hài cốt của các bậc tổ triều Trần. Hơn 7 thế kỷ đã trôi qua, những di vật nằm sâu trong lòng đất Tam Đường đã được khai quật, giúp hậu thế tìm lại một quần thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, hoành tráng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hoá dân tộc, đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau và đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh, từ năm 1999 dự án đầu tư quy hoạch tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ và lăng mộ các vua Trần đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng. Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế toạ lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là toà hậu cung, toà bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hoá vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan. Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần có công với đất nước, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hoá mang tính tâm linh để các thế hệ hôm nay và mai sau bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng vọng của mình với các vị anh hùng dân tộc thời Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian, như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Riêng Toà hậu cung Đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai toà tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động.
Cuối năm 2008, lễ yên vị thánh tượng các vua đầu triều Trần và Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đã được long trọng tổ chức, đưa vào nội điện và tổ chức lễ nghi thờ phụng. Không chỉ đáp ứng tâm nguyện về sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh, việc tu bổ, tôn tạo di tích còn là việc làm đạo nghĩa nhằm góp phần khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, tiếp tục khơi gợi và hun đúc hào khí Đông A, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và là động lực để nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.